Phát triển nhà ở xã hội đến nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, tuy nhiên, phân khúc nhà ở này đang đứng trước những cơ hội để phát triển. Các doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm đa dạng hóa sản phẩm nhà ở, nhất là nhà ở xã hội nhằm tăng tính thanh khoản đồng thời hạn chế rủi ro trong kinh doanh.

Nhà ở xã hội – Điểm sáng của thị trường Bất động sản

Theo Bộ Xây dựng, đến nay, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 307 dự án nhà ở xã hội (NOXH) khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 157.100 căn, với tổng diện tích hơn 7,9 triệu m2; đang tiếp tục triển khai 418 dự án (bao gồm các dự án đang xây dựng và dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư), với quy mô xây dựng khoảng 432.400 căn, với tổng diện tích khoảng 22,5 triệu m2.

Phát triển nhà ở xã hội mới đạt khoảng 64% so với yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia
Phát triển nhà ở xã hội mới đạt khoảng 64% so với yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia

Tuy nhiên, với kết quả hoàn thành 7,9 triệu m2 sàn NOXH thì mới đạt khoảng 64% so với yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia năm 2020, trong khi nhu cầu nhà ở của đối tượng người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp hiện nay là rất lớn.

Nguyên nhân chính là do thiếu quỹ đất để xây dựng NOXH; vướng mắc trong thủ tục lựa chọn chủ đầu tư; thiếu nguồn vốn ưu đãi; cơ chế khuyến khích chủ đầu tư chưa thực chất, chưa đủ mạnh để thu hút DN; thủ tục đầu tư phát triển NOXH còn phức tạp, kéo dài…; một số tổ chức, cá nhân chưa tuân thủ quy định pháp luật về NOXH do các chế tài xử lý còn thiếu hoặc chưa đủ mạnh.

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang được Chính phủ giao chủ trì nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014 trong đó có nội dung quy định liên quan đến việc xử lý vi phạm về nhà ở xã hội, dự kiến trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

Bên cạnh những quy định nhằm đẩy mạnh phát triển NOXH, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các quy định, những chế tài thích hợp, đủ mạnh để xử lý những đơn vị chưa tuân thủ theo luật định, đảm bảo sự hài hòa về lợi ích của các đối tượng.

Liên quan đến NOXH, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Tại nghị quyết này, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng để chỉ đạo các ngân hàng thương mại, trong đó chủ lực là 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án NOXH, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất trong thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường và các ngân hàng thương mại ngoài nhà nước có đủ điều kiện với các gói tín dụng cụ thể trong từng thời kỳ.

Trong bối cảnh thị trường BĐS đang rất khó khăn thì các giải pháp thúc đẩy phát triển NOXH đang được xem là chìa khóa để tháo gỡ nút thắt tháo gỡ khó khăn cho thị trường này.

Hiện Bộ Xây dựng đãng xây dựng, hoàn thiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất khoảng 1 triệu căn hộ NOXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” trình Chính phủ.

Để định hướng giải quyết các vấn đề và tháo gỡ các khó khăn trong phát triển NOXH, hiện Ban Kinh tế Trung ương đang chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng Đề án “Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với phát triển NOXH, nhà ở cho người thu nhập thấp”.

Vừa qua, Thường trực Tổ Biên tập Đề án “Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với phát triển NOXH, nhà ở cho người thu nhập thấp” đã có buổi làm việc với đại diện lãnh đạo 19 công ty, DN BĐS phát triển NOXH, nhà ở cho người thu nhập thấp tại TPHCM.

Tại buổi làm việc, các DN, công ty BĐS phát triển NOXH đề cập đến những khó khăn, vướng mắc về phát triển NOXH như quy hoạch và những khó khăn trong việc điều chỉnh quy hoạch để phát triển NOXH; quỹ đất cho phát triển NOXH; vấn đề huy động và ưu đãi vốn trong quá trình phát triển NOXH cho các DN, công ty phát triển NOXH; khó khăn trong việc xác định những người đủ tiêu chuẩn mua NOXH.

Các DN cũng đề cập đến khó khăn trong việc thực hiện các ưu đãi đối với DN BĐS phát triển NOXH do sự khác biệt về quy định giữa quy định pháp luật về phát triển NOXH và các văn bản Luật hiện hành trong quá trình áp dụng. Hầu hết các DN đều nhận định, các cơ chế, chính sách ưu đãi cho phát triển NOXH đã có nhưng cần phải triển khai thực hiện trên thực tế để chính sách đi vào cuộc sống.

Cùng với đó, các DN cũng cho rằng, cần thiết phát triển nhà ở thương mại có giá phải chăng để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho nhân dân vì không phải người dân nào cũng có đáp ứng đủ các tiêu chí để mua NOXH; cần tránh phát triển NOXH ở những vị trí đất vàng, thay vào đó nên đấu giá quỹ đất này để tạo nguồn vốn cho phát triển NOXH ở các khu vực ngoại ô phù hợp.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, các tập đoàn, DN BĐS đang thực hiện tái cấu trúc DN, tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu sản phẩm nên đặc biệt quan tâm đa dạng hóa sản phẩm nhà ở.

Bên cạnh sản phẩm nhà ở cao cấp, nhà ở trung cao cấp thì rất cần thiết bổ sung sản phẩm nhà ở thương mại giá trung bình, nhất là nhà ở giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội để vừa xây dựng uy tín thương hiệu; vừa tăng tính thanh khoản và hạn chế “rủi ro” trong kinh doanh khi thị trường BĐS có biến động.

Điều này góp phần tái cấu trúc và phát triển thị trường BĐS minh bạch, an toàn, lành mạnh và bền vững, đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho tầng lớp “yếu thế” trong xã hội là người có thu nhập trung bình thấp và người có thu nhập thấp đô thị, nông thôn.

Theo dõi Mua Bán Đất Hóc Môn để nhận thêm tin tức về Bất động sản !

Đánh giá nội dung này