Một nhà đầu tư BĐS cao tuổi đã đặt câu hỏi cho các chuyên gia BĐS tại toạ đàm trực tuyến “Thị trường hậu Covid-19 – Tiềm năng đến từ bất động sản ven biển” do chuyên trang Nhịp sống kinh tế Báo Tổ quốc phối hợp Kênh thông tin tài chính CafeF tổ chức mới đây.
Cụ thể: “năm nay tôi 60 tuổi, sau khi nghỉ hưu tôi có bắt đầu tập tành đầu tư và thấy mình có duyên với lĩnh vực BĐS, vì sau vài lần mua đi bán lại tôi đều có lãi. Về BĐS ven biển, đặc biệt là phân khúc đất nền ven biển tôi rất thích nhưng chưa có kinh nghiệm. Vậy các chuyên gia có thể tư vấn giúp tôi là ở lĩnh vực BĐS này tôi nên lướt sóng hay đầu tư lâu dài”
Trả lời câu hỏi của nhà đầu tư này, Ông Nguyễn Văn Đính- Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, Việt Nam xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. So với các nước trên thế giới, BĐS du lịch Việt Nam đang ở giai đoạn đầu phát triển. Theo đó, giá BĐS du lịch/ven biển còn ở ngưỡng mềm, còn nhiều dư địa phát triển. Còn việc nhà đầu tư xác định đầu tư lướt sóng hay dài hạn ở phân khúc BĐS ven biển phụ thuộc vào từng dự án, thời điểm, và khẩu vị của mỗi nhà đầu tư.
Nếu tham gia lướt sóng, nhà đầu tư nên đầu tư ở dự án mới triển khai giai đoạn đầu, ở các khu vực hạ tầng, công trình chưa hình thành rõ nét, sẽ có cơ hội lướt sóng “đón đầu”, giá trị BĐS sẽ gia tăng theo tỉ lệ hình thành hạ tầng, quy hoạch của khu vực đó. Còn nếu mua ở giai đoạn sau của dự án thì nhà đầu tư phải xác định, giá đã tăng cao, khi đó mức sinh lợi sẽ giảm đi.
“Nếu nhà đầu tư tham gia đầu tư ở giai đoạn đầu của một dự án mới ven biển thì khả năng tăng giá có thể vài chục lần, nhất là khi dự án có khả năng khai thác kinh doanh, nằm ở vị trí thuận lợi, khu vực tiềm năng phát triển. Đặc biệt, dự án đó được khai thác vận hành tốt, khả năng sinh lời kép trong dài hạn là khá cao”, ông Đính nhấn mạnh.
Còn theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, với sản phẩm BĐS ven biển, đặc biệt là đất nền thì theo kinh nghiệm của CBRE nhà đầu tư sẽ đầu tư lâu dài thay vì lướt sóng. Lướt sóng cũng có thể xảy ra ở thời kì đầu, trong bối cảnh BĐS đang phát triển nóng. Tuy nhiên, lúc này chúng ta đã đi qua giai đoạn đó rồi. Cũng đã có nhiều NĐT trên thị trường BĐS vội vàng lướt sóng đem lại kì vọng không mong muốn.
Chưa kể, khác với thị trường BĐS trong các thành phố lớn có nhiều nhà đầu tư tham gia, BĐS ven biển, nhất là ở các khu vực mới nổi thì cần các CĐT đầu tư dự án bài bản, tiện nghi tiện ích đi kèm, khi đầu tư kì vọng sản phẩm hình thành trọn vẹn, đồng bộ thì giá trị sẽ lên cao.
Theo đó, để dành lời khuyên thêm cho quyết định của nhà đầu tư cao tuổi muốn đầu tư BĐS ven biển, bà Dung cho rằng, nếu đầu tư trung- dài hạn sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Khi đó, giá trị BĐS ven biển sẽ tăng cao như kì vọng của nhà đầu tư.
Vị chuyên gia CBRE cũng chỉ ra những lưu ý/tiêu chí với các nhà đầu tư khi “xuống tiền” ở thời điểm này.
Theo bà Dung, đại dịch Covid-19 khiến việc xem xét đầu tư của NĐT cẩn trọng hơn. Với nhà đầu tư cá nhân, yếu tố quan trọng nhất vẫn là nguồn tài chính, và họ sẽ cân nhắc vô cùng thận trọng khi đầu tư một BĐS nào đó trong bối cảnh dịch bệnh. Họ sẽ phải xem xét đó là nguồn vốn sẵn có hay đi vay, hỗ trợ từ chủ đầu tư dự án…Nếu đi vay ngân hàng, nhà đầu tư cá nhân cần cân nhắc tỉ lệ % là bao nhiêu trên tổng số vốn bỏ vào BĐS.
Cùng với việc xem xét nguồn vốn có ổn định không thì nhà đầu tư cũng đặc biệt quan tâm đến yếu tố năng lực và uy tín của chủ đầu tư dự án. Bởi thực tế trên thị trường BĐS, có nhiều dự án không được phát triển theo đúng tiến độ nhưng người mua vẫn phải trả tiền theo tiến độ.
Theo đó, khi kí hợp đồng, nhà đầu tư cần để ý đến các điều khoản ràng buộc, xem chủ đầu tư có thực hiện đúng tiến độ, cam kết hay không. Song song đó, nhà đầu tư cũng nên quan tâm đến chính sách, vận hành, hỗ trợ từ phía chủ đầu tư, trong tương lai dự án được hỗ trợ, vận hành như thế nào…
Còn với chủ đầu tư phát triển dự án, bà Dung cho rằng, đây là giai đoạn “lửa thử vàng”. Là giai đoạn các chủ đầu tư xem xét kế hoạch kinh doanh sao cho phù hợp. Trong bối cảnh khó khăn vì dịch, chủ đầu tư nên tận dụng giai đoạn, lên kế hoạch kinh doanh, phát triển dự án, khi thị trường mở là có ngay dự án cung cấp ra thị trường, bên cạnh câu chuyện nguồn vốn và tính pháp lý của dự án cũng phải chuẩn bị kỹ càng.
“BĐS ven biển bao giờ giá cũng dễ chịu hơn so với BĐS nội đô ở các thành phố lớn. Bên cạnh lợi thế quỹ đất còn nhiều thì BĐS ven biển nguồn cầu chưa quá nhiều. Theo đó, khi xác định đầu tư BĐS ven biển nhà đầu tư nên hướng đến dài hạn, và nên tham gia ở giai đoạn đầu của dự án. Thực tế thì thị trường BĐS ven biển của Việt Nam đã phát triển lâu rồi nhưng với các thị trường mới nổi có thể gọi là giai đoạn mới, cho nên nhà đầu tư bước chân vào giai đoạn này luôn là lựa chọn tốt, mức giá còn dễ chịu, khả năng sinh lợi sẽ tốt”, bà Dung dành lời khuyên.
Theo Báo cafeF