Chưa đầy 2 tháng nữa cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây thông xe, sẽ tạo ra “cú sốc” lớn, dù xa hơn, nhưng đi Phan Thiết không mất nhiều thời gian hơn đi Vũng Tàu.
Cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây sẽ thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2022, dự kiến chính thức hoạt động trong quý I/2023, kết nối với cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM – Phan Thiết chỉ còn hơn 2 tiếng đồng hồ.
“Đại lộ sinh đại phú”, khi các tuyến cao tốc được đưa vào khai thác, sẽ lập tức mang lại hiệu quả rõ rệt, không chỉ về phát triển du lịch, thu hút đầu tư, mà còn mở ra rất nhiều cơ hội cho các lĩnh vực khác bứt phá, vì vậy, hiện nay cả 3 địa phương thu hút nhiều khách du lịch từ TP.HCM: Phan Thiết, Vũng Tàu, Đà Lạt đều ưu tiên đặc biệt cho việc xây dựng cao tốc.
“Thủ phủ resort” mong chờ cao tốc
Mũi Né (Phan Thiết) một thời đã được mệnh danh “thủ phủ resort” của Việt Nam, nhưng sức cạnh tranh kém dần do thiếu sân bay, đường cao tốc so với các trung tâm du lịch khác.
Hiện nay, đi từ TP.HCM ra Phan Thiết, quãng đường chỉ 200 km mà mất gần 5 tiếng đồng hồ di chuyển. Ngán ngẩm nhất là đoạn qua Xuân Lộc (Đồng Nai), quốc lộ 1 chỉ có 2 làn, các xe phải xếp hàng nối đuôi nhau “bò” vài chục km.
Sự kiện khởi công xây dựng đường bộ cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây vào ngày 30/9/2020 là niềm mong chờ từ rất lâu của cả người dân, doanh nghiệp và chính quyền tỉnh Bình Thuận trong nhiều nhiệm kỳ.
Hiện trên công trường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây hàng ngàn công nhân, kỹ sư đang ngày đêm hối hả làm việc. Theo cam kết với Bộ Giao thông, Vận tải, nhà thầu đã huy động bổ sung thêm nhiều mũi thi công, làm 3 ca 4 kíp liên tục để hoàn thành dự án đúng tiến độ.
Tại hội nghị gặp gỡ các nhà đầu tư với chủ đề “Bình Thuận kết nối tiềm năng” ngày 30/8 vừa qua, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đã thông tin cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây sẽ thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2022, dự kiến thông xe chính thức trong quý I/2023, để kết nối với cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM – Phan Thiết chỉ còn hơn 2 giờ đồng hồ.
Cao tốc này còn góp phần kết nối Bình Thuận với sân bay quốc tế Long Thành, tạo nên trục giao thông hiện đại giữa TP.HCM – Long Thành – Phan Thiết, cũng như kết nối thành phố biển Phan Thiết với TP. Biên Hòa và TP.HCM.
Với hệ thống đường cao tốc sắp hoàn thành, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận hy vọng sẽ đón nhận một làn sóng đầu tư mới, trong đó có những đại dự án.
“Giải cứu” quốc lộ 51
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tập trung nhiều nguồn lực, đặc biệt xem trọng công trình xây dựng cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, tuy nhiên cũng phải dự kiến đến khoảng tháng 4/2023 mới có thể khởi công.
Có đi lại trên đường quốc lộ (QL) 51 những ngày này mới thấm thía nỗi “kinh hoàng” của sự kẹt xe.
Mỗi ngày có hàng ngàn xe ô tô ùn ứ nối đuôi trong nhiều giờ, lúc thì ở các điểm giao cắt với cao tốc, khi thì ở đoạn chợ Long Bình Tân, ngã ba Bến Gỗ, ngã ba Nhơn Trạch (thuộc tỉnh Đồng Nai); khi thì đoạn từ ngã ba Cái Mép về các khu công nghiệp trên địa bàn TX. Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu).
Không cam chịu cảnh từ Vũng Tàu về TP.HCM phải mất hơn 5 tiếng đồng hồ, nhiều tài xế xe khách đã “né” QL51 bằng cách tìm những con đường tắt trong các khu dân cư Phú Mỹ, Long Thành để đi, sau đó theo lộ trình QL51 – Ngã ba Vũng Tàu – Xa lộ Hà Nội, nhưng cũng chẳng rút ngắn thời gian được bao nhiêu.
Nhiều người mong chờ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu. Tuyến đường trọng yếu này triển khai sớm ngày nào sẽ “giải cứu” QL51 khỏi tình trạng quá tải, kẹt xe và tai nạn giao thông ngày ấy.
Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã khẳng định: “Việc đầu tư và sớm triển khai dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu là yếu tố quyết định cho sự thành công của mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn 2020-2025”.
Cao tốc đưa du khách đến thành phố hoa
Nếu Vũng Tàu có quốc lộ 51 thì Đà Lạt có “con đường đau khổ” quốc lộ 20 cản trở bước chân du khách.
Tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các cơ quan liên quan đặc biệt tập trung cao độ vào việc triển khai hoàn thành tuyến đường cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc; Bảo Lộc – Liên Khương, xác định đây là dự án vô cùng quan trọng của tỉnh.
Mới đây nhất, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có tờ trình để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc với quy mô 4 làn xe, được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trị giá 17.200 tỷ đồng.
Dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc do nhà đầu tư đề xuất dự án là liên danh đầu tư gồm Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh và Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Miền Trung (Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả đại diện liên danh nhà đầu tư).
Chiều dài toàn tuyến khoảng 66 km, trong đó trên địa phận tỉnh Đồng Nai khoảng 11 km (đi qua huyện Tân Phú); tỉnh Lâm Đồng khoảng 55 km (đi qua huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm và TP Bảo Lộc).
Điểm đầu dự án tại Km 60+100 (trùng với điểm cuối của dự án đường cao tốc Dầu Giây – Tân Phú tại cầu vượt trực thông nút giao Quốc lộ 20) thuộc địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.
Điểm cuối dự án tại Km 126+360 (lý trình đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương), giao với đường Nguyễn Văn Cừ, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Dự án được đầu tư xây dựng tuyến đường theo tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 80 km/h.
Giai đoạn phân kỳ sẽ tiến hành chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2021 – 2026; hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2026. Tới giai đoạn hoàn chỉnh sẽ đầu tư hoàn thiện với quy mô theo quy hoạch trên cơ sở công trình đã đầu tư trong giai đoạn phân kỳ; với việc hoàn thiện bề rộng nền đường rộng 22 m, bao gồm 4 làn xe ô tô và 2 làn dừng xe khẩn cấp liên tục.
Trong điều kiện cho phép về thu xếp vốn, sẽ đẩy nhanh việc thực hiện đầu tư giai đoạn hoàn chỉnh để nâng cao chất lượng dịch vụ cho tuyến cao tốc.
Dự án cao tốc Dầu Giây – Liên Khương có tổng chiều dài hơn 200 km, chia thành 3 dự án thành phần. Chính phủ giao UBND tỉnh Lâm Đồng thực hiện 2 dự án cao tốc thành phần theo hình thức đối tác công tư, gồm: Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương dài khoảng 140 km. Dự án thành phần Dầu Giây – Tân Phú do Bộ Giao thông Vận tải phụ trách.
Mới đưa vào khai thác được gần 2 tháng nhưng cao tốc Vân Đồn – Móng Cái đã cho thấy rõ hiệu quả khi tạo được “cơn sốt” bất ngờ cho du lịch Móng Cái.
Từ đầu tháng 9 tới nay, TP Móng Cái đông đúc hơn, các điểm du lịch như Mũi Sa Vĩ, bãi biển Trà Cổ tấp nập dòng người ghé thăm. Hàng loạt khách sạn, nhà hàng tại Móng Cái lần đầu rơi vào tình trạng quá tải. Theo thống kê từ thành phố, trong dịp lễ 2/9 đã có hơn 150.000 du khách đến Móng Cái, một con số chưa từng có và đến thời điểm này, lượng khách vẫn tiếp tục đạt trên 3.000 khách/ngày, dịch vụ – thương mại tăng trưởng mạnh mẽ.
Không chỉ khởi sắc lĩnh vực du lịch, dịch vụ, TP Móng Cái còn thu hút được rất nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp đến để nghiên cứu, tìm hiểu, nắm bắt cơ hội đầu tư và mở rộng sản xuất. Trong đó có không ít thương hiệu tên tuổi hàng đầu trong nước như Sun Group, Vin Group, Ecopark, T&T, C.E.O, Sovico cùng một số nhà đầu tư nước ngoài…
Nguồn: Báo Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh