Dự án Đường cao tốc Dầu Giây – Tân Phú là một phần của tuyến đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương đã chính thức được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư giai đoạn 1 theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Sau khi hoàn thành nhiều cơ hội mở ra từ dự án Đường cao tốc Dầu Giây – Tân Phú, tạo cơ hội phát triển mới cho các địa phương vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là một phần huyết mạch quan trọng nối các tỉnh miền Đông Nam Bộ với Tây Nguyên.
Phấn đấu khởi công trong năm 2023
Dự án đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương có tổng chiều dài hơn 200km đi qua địa bàn 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng. Dự án được chia thành 3 đoạn tương ứng với 3 dự án thành phần để đầu tư. Trong đó, đoạn cao tốc Dầu Giây – Tân Phú là đoạn đầu của dự án.
Theo quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của Chính phủ, cao tốc Dầu Giây – Tân Phú giai đoạn 1 có tổng chiều dài hơn 60km, được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 100km/giờ.
Dự án Đường cao tốc Dầu Giây – Tân Phú có tổng chiều dài hơn 60km. Điểm đầu tại Km 0+000, giao với quốc lộ 1 tại Km 1829+500, trùng với điểm cuối của đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, thuộc địa phận H.Thống Nhất.
Điểm cuối tại Km 60+100 (qua vị trí giao cắt với quốc lộ 20 tại Km 69+400), thuộc địa phận xã Phú Trung, H.Tân Phú.
Cao tốc Dầu Giây – Tân Phú cũng được Chính phủ quyết định đầu tư theo hình thức PPP, hợp đồng BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) với tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 8,3 ngàn tỷ đồng.
Trong đó, phần vốn nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm thu xếp khoảng hơn 7 ngàn tỷ đồng; phần vốn nhà nước tham gia trong dự án khoảng 1,3 ngàn tỷ đồng.
Đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP khi tham gia vào dự án sẽ được hưởng các ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về thuế, đất đai, đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan cũng như các bảo đảm đầu tư theo quy định của Luật PPP và pháp luật về đầu tư.
Về thời gian, dự án dự kiến được chuẩn bị đầu tư và thực hiện từ năm 2021-2025, trong đó, các cơ quan chức năng sẽ cố gắng khởi công dự án trong năm 2023.
Đồng Nai đã sẵn sàng thực hiện dự án
Cao tốc Dầu Giây- Tân Phú là một đoạn của dự án đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương. Chính vì vậy, dự án có mục tiêu chung là nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm tải và đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến quốc lộ 20, hoàn thành và đưa vào khai thác đồng bộ các tuyến đường bộ cao tốc có năng lực lớn, an toàn giao thông và tốc độ cao trên hành lang vận tải TP.HCM – Dầu Giây – Liên Khương.
Từ đó, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của Vùng Đông Nam bộ nói chung. Đồng thời, tạo động lực liên kết, thúc đẩy hợp tác và phát triển vùng Đông Nam bộ với đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ.
Tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ theo quy hoạch. Góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Đường cao tốc Dầu Giây – Tân Phú cũng là đoạn duy nhất của dự án đường cao tốc Dầu Giây- Liên Khương được xây dựng hoàn toàn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Do đó, đối với địa phương, đây cũng là dự án rất được kỳ vọng để tạo ra động lực phát triển cho các địa phương vùng sâu, vùng xa của tỉnh như Định Quán, Tân Phú.
Nhiều thách thức và cơ hội mở ra từ dự án Đường cao tốc Dầu Giây – Tân Phú
Chủ tịch UBND H.Tân Phú Nguyễn Hữu Ký cho hay, hiện nay, quốc lộ 20 là tuyến giao thông chính phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân trên địa bàn huyện, tuy nhiên, hiện tuyến đường này đã quá tải.
Chính vì vậy, chính quyền huyện cũng như người dân rất mong mỏi dự án đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương, trong đó có đoạn cao tốc Dầu Giây – Tân Phú sớm được khởi công xây dựng.
Để phục vụ cho công tác triển khai dự án, tháng 4-2022, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 05/NQ-HĐND về quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện 5 dự án trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, riêng 2 dự án đường cao tốc Dầu Giây – Tân Phú và Tân Phú – Bảo Lộc, diện tích rừng các loại cần chuyển đổi mục đích sử dụng là gần 40ha.
Sau đó, UBND tỉnh cũng đã có quyết định về việc tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết 05 của HĐND tỉnh.
Đồng thời, UBND tỉnh cũng giao UBND các huyện Định Quán và Tân Phú triển khai thực hiện nghị quyết đối với 2 dự án đường cao tốc đi qua địa bàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết, dự án đường cao tốc Dầu Giây – Tân Phú nói riêng và toàn bộ dự án đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương có vai trò rất lớn trong việc phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Dự án sẽ mở ra tuyến kết nối giữa Đồng Nai với khu vực Tây Nguyên. Do đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương có dự án đi qua phải khẩn trương thực hiện các công tác quan trọng phục vụ triển khai thực hiện dự án gồm công tác tái định cư cho người dân có đất bị thu hồi, quy hoạch các mỏ vật liệu đáp ứng nhu cầu thi công và quy hoạch khu vực trồng rừng thay thế.
“UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương là phải xây dựng sớm các khu tái định cư để bố trí tái định cư cho người dân.
Tỉnh sẵn sàng ứng trước nguồn vốn để xây dựng các khu tái định cư. Cùng với đó, việc quy hoạch các mỏ vật liệu, khu vực trồng rừng thay thế cũng sẽ được làm trước.
Đối với dự án này, Đồng Nai đã chuẩn bị sẵn tư thế để thực hiện” – Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.
Mới đây, Bộ GT-VT đã có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Nai về việc nghiên cứu đầu tư mở rộng tuyến quốc lộ 20 qua địa bàn. Theo Bộ GT-VT, quốc lộ 20 đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai và tỉnh Lâm Đồng, trong đó đoạn qua tỉnh Đồng Nai có nền đường rộng 12-15m, mặt đường rộng hơn 7m, thảm bê tông nhựa.
Trong quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050, quốc lộ quy hoạch đường cấp III, quy mô 2-4 làn xe.
Đồng thời, giai đoạn đến năm 2030 đã quy hoạch tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương bao gồm các đoạn Dầu Giây – Tân Phú và Tân Phú – Bảo Lộc.
Hiện nay, tuyến cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc đã được UBND tỉnh Lâm Đồng hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo phương thức PPP, trình Thủ tướng Chính phủ, theo đó thời gian dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2022-2025.
Tuyến cao tốc Dầu Giây – Tân Phú (giai đoạn 1) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư theo phương thức đối tác PPP, giao Bộ GT-VT là cơ quan có thẩm quyền.
Bộ GT-VT sẽ tổ chức triển khai các thủ tục theo quy định pháp luật, phối hợp với UBND các địa phương phấn đấu khởi công dự án trong năm 2023 và hoàn thành trong năm 2025.
Trong giai đoạn 2021 – 2025, Bộ GT-VT đã tập trung ưu tiên phân bổ vốn để đầu tư các tuyến đường cao tốc nên chưa thể cân đối nguồn vốn đầu tư mở rộng tuyến quốc lộ 20 trong giai đoạn này.
Những thay đổi về hợp đồng trong kinh doanh bất động sản mới 2024 – Phân loại lại các loại hợp đồng Theo Luật mới, hợp đồng trong kinh doanh bất động sản được phân...
Luật kinh doanh bất động sản mới sẽ áp dụng từ 1/8 năm 2024 Vậy Hoạt động kinh doanh bất động sản có thay đổi gì trong luật mới? Từ ngày 01/8/2024, doanh nghiệp kinh...