Tuyến cao tốc Tân Phú – Liên Khương có ý nghĩa vô cùng quan trọng, vừa giảm tải cho Quốc lộ 20, đồng thời giúp kết nối hoàn chỉnh, đồng bộ với hệ thống mạng lưới đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, kỳ vọng sẽ giúp Lâm Đồng có bước đột phá trong phát triển kinh tế.Chính vì vậy, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Ban Quản lý Dự án giao thông và một số sở, ngành liên quan để thúc đẩy sớm hoàn tất các thủ tục còn lại để khởi công dự án.
Dự án Cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc đã được Hội đồng Thẩm định liên ngành thẩm định; hồ sơ chủ trương chuyển đổi rừng của dự án cũng đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định và được Thủ tướng Chính phủ thống nhất vào tháng 7/2022.
Đến nay, Ban Quản lý Dự án giao thông tỉnh đã phối hợp với nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản lấy ý kiến của các thành viên Hội đồng Thẩm định liên ngành. Theo thông tin từ Ban Quản lý Dự án giao thông tỉnh, đến ngày 17/10/2022, hầu hết các thành viên Hội đồng Thẩm định liên ngành đã có ý kiến thống nhất.
Nhà đầu tư cũng đã chủ động công tác khảo sát hiện trường, đang tiến hành công tác thực hiện thiết kế lập FS theo hướng tuyến của dự án. Ban quản lý Dự án giao thông đã làm việc với đơn vị tư vấn lập khung chính sách giải phóng mặt bằng (GPMB) và tái định cư để trình UBND tỉnh.
Nhà đầu tư cũng đã tiến hành lập quy hoạch mỏ vật liệu trình UBND tỉnh. Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì cùng với các sở, ngành liên quan và nhà đầu tư 2 dự án Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương họp bàn phương án cung cấp vật liệu để đảm bảo tiến độ chung của 2 dự án.
Còn Dự án Cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương đã được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chuẩn bị đầu tư từ năm 2003, Thủ tướng phê duyệt quy hoạch và chỉ đạo thực hiện từ năm 2015. Tuy nhiên, do vốn ngân sách hạn hẹp nên Bộ GTVT chưa có kế hoạch triển khai.
Đến tháng 10/2021, UBND tỉnh đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án đầu tư Dự án Xây dựng đường cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương theo phương thức đối tác công tư (PPP), và đề xuất giao UBND tỉnh làm cơ quan có thẩm quyền và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
Tháng 11/2021, Liên danh Tập đoàn T&T GROUP JSC – FUTA GROUP – Phương Thành (FUTA GROUP đại diện liên danh nhà đầu tư) đề xuất nghiên cứu và báo cáo phương án đầu tư với UBND tỉnh Lâm Đồng.
Tháng 3/2022, UBND tỉnh trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (NCTKT) Dự án đầu tư xây dựng Đường cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương theo phương thức PPP; ngày 19/4/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ về thẩm quyền và trình tự, thủ tục thẩm định báo cáo NCTKT dự án; ngày 1/6/2022, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng nghiên cứu ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để triển khai thực hiện dự án.
Thực hiện các thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, ngày 9/6/2022, Ban Quản lý Dự án giao thông đã trình UBND tỉnh Lâm Đồng thẩm định Báo cáo NCTKT dự án và sau đó Chủ tịch UBND tỉnh có quyết định về việc thành lập Hội đồng Thẩm định cấp cơ sở tổ chức thẩm định Báo cáo NCTKT dự án.
Tháng 7/2022, Hội đồng Thẩm định cấp cơ sở đã phê duyệt kế hoạch thẩm định Báo cáo NCTKT. Tháng 8/2022, Hội đồng Thẩm định cấp cơ sở đã tổ chức họp thẩm định dự án cùng các thành viên và có văn bản của Chủ tịch Hội đồng thẩm định cấp cơ sở về thực hiện hoàn thiện dự án. Liên danh nhà đầu tư đề xuất dự án đã chỉ đạo các đơn vị tư vấn tiếp thu, giải trình và hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng Thẩm định cấp cơ sở. Ngày 25/8/2022, Ban Quản lý Dự án giao thông đã trình hồ sơ Báo cáo NCTKT dự án đã được chỉnh sửa, hoàn thiện.
Sau khi các thành viên Hội đồng Thẩm định cơ sở tham gia góp ý, hồ sơ Báo cáo NCTKT dự án đã được Liên danh nhà đầu tư và đơn vị tư vấn tiếp thu, cập nhật và chỉnh sửa hoàn thiện và gửi lấy ý kiến các thành viên Hội đồng Thẩm định xem xét có ý kiến thẩm định (lần 2) và Hội đồng Thẩm định đã có văn bản trong đó kết luận quy mô, hướng tuyến, giải pháp kỹ thuật của dự án cơ bản phù hợp và đảm bảo theo quy định, tuy nhiên, đối với công tác GPMB thì vẫn lúng túng trong công tác khảo sát hệ số, phương pháp tính chi phí bồi thường hỗ trợ tái định cư, tái định canh…
Đối với các ý kiến thẩm định này, Ban Quản lý Dự án giao thông tỉnh đã phối hợp với Sở Tài nguyên – Môi trường và các địa phương xác định cụ thể khối lượng GPMB (diện tích đất, cơ cấu loại đất…) sơ bộ đã xác định được chi phí GPMB.
Hiện nay, Sở Tài nguyên – Môi trường và Ban Quản lý Dự án giao thông tỉnh tiếp tục làm việc với các địa phương để xác định cụ thể vị trí và quỹ đất để thực hiện tái định canh, tái định cư để là cơ sở hoàn thiện hồ sơ Báo cáo NCTKT dự án (lần 3) dự kiến sẽ hoàn thiện vào cuối tháng 10/2022 để trình Hội đồng Thẩm định cơ sở.
Đồng thời, trong quá trình lập Báo cáo NCTKT, Liên danh nhà đầu tư cũng đề xuất dự án đã chủ động lập quy hoạch các mỏ vật liệu, bãi đổ thải trình các cấp có thẩm quyền của tỉnh… để kiểm soát. Được biết, quy hoạch các vị trí mỏ vật liệu dự án cũng đã được HĐND tỉnh chấp thuận.
Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu Ban Quản lý Dự án giao thông tỉnh và một số sở, ngành liên quan tập trung hoàn tất thủ tục hồ sơ theo quy định để sớm triển khai thi công tuyến cao tốc này, theo dự kiến vào khoảng nửa đầu năm 2023.