Bất động sản khu Tây TP.HCM
Sau nhiều năm phát triển “cầm chừng” thì từ năm 2020, hàng loạt dự án giao thông theo diện liên kết vùng giữa Long An và TP.HCM cũng như các tỉnh lân cận được xây dựng. Giới phân tích thị trường bất động sản cho rằng đây chính là chìa khóa mở cửa cho bất động sản Long An phát triển.
Hạ tầng mở lối
Sự phát triển mạnh của hệ thống hạ tầng kết nối liên vùng không chỉ tạo sự phát triển chung cho các địa phương về tình hình kinh tế – xã hội, mà còn trở thành đòn bẩy cho sự phát triển của thị trường bất động sản các địa phương.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, theo đề án Quy hoạch vùng TP.HCM thì 3 huyện Bến Lức, Cần Giuộc, Đức Hòa của Long An sẽ là đô thị vệ tinh của TP.HCM.
Các dự án hạ tầng lớn kết nối Long An với vùng lõi đô thị TP.HCM đang phát triển mạnh mẽ. Có thể kể đến như dự án mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ – Nguyễn Văn Tạo thành đường 6 làn xe thông với khu công nghiệp Long Hậu. Tuyến Metro số 4 nối quận 12, Tân Bình, Phú Nhuận, quận 1, quận 4, quận 7 và khu đô thị – cảng Hiệp Phước.
Thêm vào đó, tuyến đường Lê Văn Lương sẽ được mở rộng 30m trong thời gian sắp tới để nối quận 7 và Cần Giuộc, nâng cấp và mở rộng quốc lộ 22, Tỉnh lộ 830, Tỉnh lộ 824, Tỉnh lộ 9… đi qua các huyện Đức Hòa, Cần Giuộc.
Đặc biệt, ngoài tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương đã kết nối xuyên suốt với cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây thông qua đại lộ Võ Văn Kiệt và Đại lộ Nguyễn Văn Linh, trong năm 2021 tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành đi qua các huyện Bến Lức, Cần Giuộc (Long An), huyện Bình Chánh, Cần Giờ (TP.HCM) và huyện Nhơn Trạch, Long Thành (Đồng Nai) thông xe sẽ giúp giao thông liên vùng miền Tây và vùng Đông Nam Bộ rút ngắn thời gian rất nhiều.
Đó là chưa kể đường Vành đai 4 đoạn Bến Lức – Hiệp Phước có tổng chiều dài khoảng 35,8km cũng đang được triển khai. Tuyến đường này sẽ giảm tải cho nội thành TP.HCM và là tuyến đường huyết mạch trung chuyển hàng hóa đi cảng Hiệp Phước.
Đặc biệt, trong bản Quyết định phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Long An đến năm 2030, hạ tầng giao thông được xếp vào danh mục các dự án ưu tiên phát triển để kết nối các đô thị trên địa bàn tỉnh theo các giai đoạn và nguồn lực thực hiện cụ thể là: Phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật kết nối đô thị phục vụ cho phát triển nâng cấp đô thị.
Trên cơ sở đánh giá thực trạng phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh, cơ sở định hướng phát triển hệ thống đô thị theo quy hoạch xây dựng vùng tỉnh. Xem xét những chỉ tiêu đánh giá còn thấp, chưa đạt so với quy định phân loại đô thị, kết hợp kế hoạch vốn trung hạn của tỉnh, mặt khác nhiều dự án hạ tầng khung có tính kết nối cần vốn đầu tư lớn và thời gian đầu tư kéo dài, nên tư vấn đề xuất phân kỳ đầu tư từng giai đoạn, để tận dụng tối ưu nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu nâng loại đô thị theo từng giai đoạn.
Giai đoạn 2018-2020 khoảng 16.416 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư nâng cấp phát triển đô thị khoảng 11.072 tỷ đồng. Vốn đầu tư hạ tầng khung đô thị khoảng 5.344 tỷ đồng. Giai đoạn 2021-2025 khoảng 21.416 tỷ đồng.
Trong đó vốn đầu tư nâng cấp phát triển đô thị: Khoảng 11.013 tỷ đồng; vốn đầu tư hạ tầng khung đô thị khoảng 10.403 tỷ đồng. Giai đoạn 2026-2030 khoảng 11.738 tỷ đồng và vốn đầu tư nâng cấp phát triển đô thị: Khoảng 4.491 tỷ đồng; Vốn đầu tư hạ tầng khung đô thị: Khoảng 7.247 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong kế hoạch phát triển 13 dự án giao thông trọng điểm mới của TP.HCM năm 2020 được khởi công, khu Tây TP.HCM có đến 4 dự án gồm cầu Kênh A, cầu Kênh B và hệ thống thoát nước Hương Lộ 11 ở Bình Chánh, đường Trần Văn Giàu thuộc quận Bình Tân. Đặc biệt, chỉ trong 3 năm từ 2017 tới 2020 hạ tầng giao thông của khu Tây ngày càng hoàn thiện với sự kết nối của các công trình giao thông trọng điểm như Quốc lộ 1A, tỉnh lộ 10, Quốc lộ 50, cao tốc TP.HCM – Trung Lương, cầu vượt An Sương, các tuyến cao tốc 10 tỷ USD TP.HCM – Mộc Bài (Tây Ninh) và TP.HCM – Cần Thơ, các tuyến Metro số 3A (Bến Thành – Tân Kiên), số 5 (ngã tư Bảy Hiền – cầu Sài Gòn).
Sức bật đến từ bài toán liên kết vùng
Trong văn bản điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Long An nằm trong trục phát triển phía Tây của TP.HCM và đây sẽ là khu đô thị sinh thái, đòn bẩy cho TP.HCM.
Theo quy hoạch, Long An sẽ thuộc về khu Tây TP.HCM. Tỉnh này sẽ là một không gian vùng mở rộng, với hướng phát triển nơi đây thành tiểu vùng kinh tế của TP.HCM.
Cụ thể, TP.HCM sẽ là khu đô thị hạt nhân trung tâm vùng, kết nối giữa các quận, huyện, thành phố với các huyện của tỉnh Long An như Củ Chi, Hậu Nghĩa, Đức Hòa… Các khu đô thị này sẽ phát triển theo hướng đô thị sinh thái, kết hợp công nghiệp nhẹ và nông nghiệp đô thị nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ cảnh quan sinh thái và thoát lũ cho tiểu vùng đô thị trung tâm.
Theo quy hoạch mới, khu đô thị Đức Hòa sẽ là đô thị loại III, là trung tâm hành chính – chính trị, thương mại, dịch vụ của huyện Đức Hòa, trung tâm thương mại, dịch vụ, giáo dục – đào tạo cấp vùng, trung tâm công nghiệp tại khu vực Tây Bắc với đường Vành đai 4 chạy xuyên qua, nối 2 khu Tây Bắc và Tây Nam của TP.HCM với nhau.
TP. Tân An sẽ là đô thị loại II với việc trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ, y tế, thể thao, giải trí cấp vùng phía tây Nam của TP.HCM. Các huyện còn lại của tỉnh Long An sẽ có nhiệm vụ xây dựng hành lang xanh của khu vực quanh TP.HCM.
Khu đô thị Bến Lức sẽ là trung tâm hành chính – chính trị, thương mại, dịch vụ của huyện Bến Lức, trung tâm giáo dục – đào tạo, trung tâm y tế, thể thao, thương mại, dịch vụ và công nghiệp cấp vùng. Trong khi đô thị Cần Giuộc sẽ là khu đô thị mang trọng trách xây dựng dịch vụ vui chơi giải trí cấp vùng.
Ông Lưu Đình Khẩn, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Long An sau khi bản quy hoạch vùng được phê duyệt, hiện nay, Long An có nhiều lợi thế về bất động sản và hướng phát triển thị trường cũng đã được định hình rõ nét.