Có thể thấy bài toán về phát triển nhà ở xã hội sẽ rất khó giải nếu chọn sai xuất phát điểm giải đề bài
Ai từng sở hữu căn hộ chung cư nhà ở xã hội có lẽ đã có trải nghiệm không mấy dễ chịu về hành trình này – từ lúc biết thông tin dự án, liên hệ nhiều nơi, làm vô số thủ tục, xoay xở tài chính đến lúc nhận nhà rồi mòn mỏi chờ sổ hồng… Thật sự phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”.
Tạo chính sách thông thoáng để đẩy cung
Có thể thấy bài toán về phát triển nhà ở xã hội sẽ rất khó giải nếu chọn sai xuất phát điểm giải đề bài. Hãy thử chọn xuất phát điểm chung nhất nhưng cũng rối rắm nhất, đó là cung và cầu.
Nguyên nhân khiến các nhà đầu tư không sẵn sàng bỏ tiền vào xây dựng nhà ở xã hội thì nhiều nhưng có thể kể ra 2 nguyên nhân chính: khả năng thu lợi nhuận không cao và chính sách ưu đãi về tài chính, đất đai chưa thật sự hấp dẫn. Vậy ngoài các giải pháp như lâu nay đã nói như tạo điều kiện về lãi suất ngân hàng, hài hòa nội dung buộc chủ đầu tư dành 20% đất xây nhà ở thương mại cho nhà ở xã hội…, nên chăng nới rộng và đơn giản các quy định về đấu thầu nhà ở xã hội?
Điều này là có cơ sở khi đã có doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản than phiền Nghị định số 31/2021 về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, các thông tư và quy định pháp luật liên quan khác quá bó hẹp điều kiện được xây dựng nhà ở xã hội dẫn đến vô tình loại bỏ nhiều ứng viên có năng lực cao.
Việc mới đây Bộ Xây dựng đề xuất thí điểm cho Tổng LĐLĐ Việt Nam tham gia xây nhà ở xã hội tại khu công nghiệp là một động thái “bổ sung ứng viên”. Dù chậm nhưng là tín hiệu tích cực, bởi 2 năm trước, chính Tổng LĐLĐ Việt Nam sau khi thống kê có khoảng 1,2 triệu công nhân có nhu cầu về nhà ở đã kiến nghị với Chính phủ được tham gia xây nhà ở xã hội.
Tạo chính sách thông thoáng, tối giản điều kiện tham gia thầu để thu hút nhà đầu tư chất lượng có tầm nhìn xa về nghĩa vụ và quyền lợi của chính họ là khai mở một con đường mới để hanh thông lộ trình nhà ở xã hội. Nguồn cung như vậy sẽ tối ưu hơn.
Về nguồn cầu, công dân nào cũng mong muốn có nơi an cư để lập nghiệp. Những công nhân, người lao động thu nhập thấp càng mong mỏi điều ấy hơn. Tuy nhiên, việc bỏ ra một lúc số tiền vài trăm triệu đồng để bảo đảm được đăng ký mua nhà ở xã hội là trở ngại rất lớn đối với không ít gia đình. Khoảng cách giữa giấc mơ đến hiện thực đôi khi dài hơn nửa cuộc đời.
Vậy làm thế nào để họ có đủ tiền “lận lưng”, yên tâm không thiếu trước hụt sau, loay hoay chạy vạy số tiền ban đầu? Đáp án này chỉ đến khi có sự chuyển động tích cực hơn từ thủ tục/chính sách cho vay. Đặc biệt, một điều ít được nhắc đến dù đang đóng vai trò “nguồn” rất quan trọng đó là chính sách giữ chân người lao động thông qua nỗ lực tạo việc làm, ổn định đời sống, nâng cao thu nhập của các ngành chức năng phải thật sự tạo chuyển biến rõ nét.
Đầu tư vào thành phố hấp dẫn, tăng trưởng kinh tế nhanh, các công ty làm ăn phát đạt, được trả công tốt… là những nền tảng không thể vững chắc hơn để người lao động tự tin về chốn an cư.
Cùng với những điều kiện trên, việc truyền thông về các tiện ích hạ tầng, dịch vụ cũng như cam kết uy tín của nhà đầu tư sẽ là những lực đẩy khiến nhu cầu sở hữu nhà ở xã hội trong công nhân, người lao động tăng cao.
Một chiều “kích” nữa là phương án sở hữu căn hộ chung cư có thời hạn mà Bộ Xây dựng đề xuất. Phương án này vừa qua dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng ý bởi nhiều lý do rất có lý, tuy nhiên thời gian tới đây, Chính phủ vẫn có quyền trình Quốc hội phương án này một lần nữa để Quốc hội bàn thảo, cân nhắc. Nếu được hoàn thiện thêm một số nội dung, phương án này mang tính khả thi cao trong thúc đẩy sự phát triển của nhà ở xã hội. Trong đó, nhà chức trách nên đặt trong bối cảnh người lao động từ vùng quê vào đô thị cần nơi ở để yên tâm làm việc nhưng luôn có xu hướng trở lại quê hương nên ít có nhu cầu ở vĩnh viễn. Thời hạn chung cư được ấn định sẽ khiến mức giá khi mua mềm hơn, giúp nhà đầu tư dễ xoay chuyển nguồn vốn, chính quyền trong tương lai bớt khó khăn trong quy hoạch đô thị, cải tạo, di dời chung cư xuống cấp…
Gỡ vướng pháp lý, bổ sung cơ chế hỗ trợ
Vấn đề cốt lõi hiện nay là thủ tục hành chính. Nhiều dự án bất động sản tại TP HCM đang gặp vướng trong khâu pháp lý khiến dự án đình trệ. Cam kết với khách hàng nhưng không thực hiện được, không thể mở bán dự án sẽ rất rủi ro khi khách hàng thanh lý hợp đồng, càng đẩy doanh nghiệp vào thế khó. Do đó cần có cơ chế riêng để gỡ vướng về thủ tục cho các dự án nhà ở xã hội.
Về quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, cần giao về cho từng địa phương nghiên cứu đưa vào quy hoạch, kế hoạch cụ thể để tính toán cho phù hợp nhu cầu thực. Từng địa phương phải có một quỹ đất đủ lớn để phát triển hệ sinh thái nhà ở xã hội. Quỹ đất cho nhà ở xã hội không cần ở vị trí quá đẹp nhưng phải có khả năng kết nối và hạ tầng tiện ích tốt. Giải pháp cấp bách ngay lúc này là các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương cần tuân thủ đúng thời gian giải quyết các thủ tục mà Chính phủ đề ra.
Các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu, ban hành quy trình, trình tự, thủ tục chuẩn, thống nhất trong triển khai một dự án bất động sản. Điều này giúp tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp làm thủ tục pháp lý.
Tìm hiểu thêm dự án căn hộ nhà ở xã hội Thủ Thiêm Green House tại đây.
Theo dõi Mua Bán Đất Hóc Môn để nhận thêm nhiều tin tức về Bất động sản !