Cầu Rạch Tôm: Giải tỏa điểm nghẽn, cải thiện lưu thông Nhà Bè
Ngày 27/6/2025 tới đây, công trình xây dựng cầu Rạch Tôm mới tại huyện Nhà Bè sẽ chính thức được khởi công. Đây là dự án thay thế cây cầu sắt hiện hữu có từ trước năm 1975, đã xuống cấp nghiêm trọng, mặt cầu hẹp và tải trọng giới hạn, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ùn tắc kéo dài trên trục đường Lê Văn Lương, đặc biệt vào giờ cao điểm.
Dự án có tổng mức đầu tư gần 497 tỷ đồng, được phê duyệt từ năm 2019 nhưng phải đến cuối năm 2024 mới hoàn tất công tác thu hồi hơn 3,1ha đất. Theo thiết kế, công trình sẽ có tổng chiều dài 683m, trong đó phần cầu dài 171m, rộng 15m; phần đường dẫn dài 512m, rộng 29m. Thời gian thi công dự kiến kéo dài đến năm 2026.
Việc hoàn thành cây cầu mới sẽ đóng vai trò chiến lược trong việc kết nối huyện Nhà Bè với trung tâm TP.HCM, góp phần tháo gỡ điểm nghẽn giao thông lâu năm và nâng cao năng lực vận chuyển, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Cầu Rạch Tôm hiện hữu chỉ rộng khoảng 4m nên người dân di chuyển rất khó khăn
Vành đai 2: Tái khởi động sau thời gian đình trệ
Vào tháng 9/2025, dự án Vành đai 2 – đoạn 3 dài 2,7km từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa – Quốc lộ 1 (TP.Thủ Đức) sẽ được thi công trở lại sau hơn 5 năm trì hoãn. Dự án do Công ty CP Văn Phú Bác Ái làm chủ đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, tổng kinh phí hơn 2.700 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng lên tới 1.800 tỷ.
Dù khởi công từ năm 2017, dự án chỉ đạt 44% tiến độ và tạm dừng thi công từ tháng 3/2020. Hiện nay, công tác bồi thường, giải tỏa đã đạt những chuyển biến tích cực với 453/469 hộ dân nhận bồi thường và 427 trường hợp đã bàn giao mặt bằng, chiếm khoảng 92% diện tích cần thu hồi.
Khởi công từ năm 2017, đoạn đường chỉ mới hoàn thành khoảng 44% khối lượng trước khi dừng thi công từ tháng 3/2020 đến nay
Mở rộng cao tốc và khởi công tuyến mới: Giải tỏa áp lực cửa ngõ Đông – Tây
Cùng thời điểm tháng 9, TP.HCM sẽ triển khai hai dự án giao thông quan trọng: mở rộng đường dẫn cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây (đoạn từ nút giao An Phú đến Vành đai 2) và khởi công đoạn cao tốc TP.HCM – Mộc Bài đi qua địa phận thành phố. Đây là các công trình nhằm giải quyết bài toán ùn tắc ở khu vực cửa ngõ phía Đông và kết nối vùng Tây Nam Bộ – Đông Nam Bộ.
Trong đó, tuyến TP.HCM – Mộc Bài được xác định là trục giao thông chiến lược, tạo kết nối trực tiếp với tỉnh Tây Ninh và khu vực biên giới Campuchia, mở rộng không gian phát triển logistic và giao thương quốc tế.
Cầu đường Nguyễn Khoái: Hoàn thiện kết nối trung tâm với khu Nam
Vào tháng 10/2025, TP.HCM dự kiến sẽ khởi công dự án cầu đường Nguyễn Khoái, một hạng mục quy mô lớn kết nối trực tiếp quận 1, quận 4 và quận 7. Tổng mức đầu tư cho công trình gần 3.700 tỷ đồng, chiều dài toàn tuyến gần 5km. Trong đó, phần cầu dài 2,5km, rộng từ 6,5m lên 25,5m; phần đường dẫn dài 2,3km, mặt đường rộng từ 26,5m lên 61,5m.
Công trình sẽ bắt đầu từ đường D1 (quận 7), nối qua đường Nguyễn Văn Linh, vượt kênh Tẻ và rạch Bến Nghé, kết thúc tại đường Võ Văn Kiệt (quận 1). Ngoài tuyến chính, dự án còn bao gồm các nhánh rẽ kết nối với các trục huyết mạch như Trần Xuân Soạn, Tôn Thất Thuyết và Võ Văn Kiệt, kỳ vọng giảm thiểu áp lực giao thông và nâng cao chất lượng hạ tầng khu Nam thành phố.
Phối cảnh cầu đường Nguyễn Khoái
Vành đai 3: Tăng tốc thi công, mục tiêu thông xe toàn tuyến vào năm 2026
Dự án Vành đai 3 TP.HCM là công trình trọng điểm cấp quốc gia, đang được các nhà thầu đồng loạt thi công trên toàn tuyến nhằm đảm bảo tiến độ thông xe kỹ thuật cuối năm 2025 và hoàn thành vào tháng 4/2026.
Tuyến đường dài đi qua TP.HCM, Long An, Đồng Nai, Bình Dương với tổng kinh phí gần 75.400 tỷ đồng. Sau khi đi vào vận hành, Vành đai 3 sẽ giúp giảm tải luồng xe vào nội đô, mở rộng các hành lang công nghiệp – logistic, rút ngắn thời gian vận chuyển và chi phí logistics, đồng thời tăng cường liên kết vùng và khả năng trung chuyển giữa các tỉnh.
Vành đai 3 TP.HCM đang được tăng tốc để kịp thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2025
Triển khai đồng bộ, nhưng không thiếu thách thức
Song song với các dự án sử dụng ngân sách nhà nước, TP.HCM cũng đang tích cực xúc tiến các dự án BOT nhằm nâng cấp cửa ngõ giao thông đô thị. Tuy nhiên, điều kiện thời tiết trong mùa mưa là một trong những yếu tố rủi ro ảnh hưởng đến tiến độ.
Các nhà thầu hiện đang tăng cường biện pháp thi công như gia cố nền móng, điều phối ca kíp, bổ sung thiết bị và nhân lực nhằm đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đề ra, từ đó từng bước hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông đồng bộ, tạo đòn bẩy phát triển cho toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
NGUỒN: Báo Quân khu 7