Xây cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Mộc Bài 6 làn xe, tổng mức đầu tư 650 triệu USD
Ngày 25/4, ngay sau lễ đón chính thức tại Cung Hòa bình, thủ đô Phnom Penh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen.
Ngay sau hội đàm, hai Thủ tướng đã cùng chứng kiến lễ ký 4 văn kiện hợp tác, trong đó có Bản Ghi nhớ về hợp tác giữa Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và Bộ Giao thông Công chính Campuchia về việc xúc tiến nghiên cứu việc xây dựng tuyến đường cao tốc TP. HCM – Mộc Bài và Phnom Penh-Ba Vet.
Theo Bản ghi nhớ này, hai bên thống nhất phối hợp nghiên cứu để đầu tư, xây dựng cao tốc nối TP.HCM – Thủ đô Phnom Penh, tương ứng với việc mỗi bên sẽ nghiên cứu để đầu tư xây dựng các đoạn cao tốc tương ứng trên lãnh thổ mình gồm cao tốc TP. HCM – Mộc Bài trên lãnh thổ Việt Nam dài khoảng 65 km và cao tốc thủ đô Phnom Penh – Bà Vẹt trên lãnh thổ Campuchia dài khoảng 130 km.
Được biết, cao tốc phía Campuchia được sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản đã cơ bản hoàn thành nghiên cứu khả thi. Phía Việt Nam ghi nhận kết quả nghiên cứu của phía Campuchia, ghi nhận hướng tuyến, quy mô và quy hoạch sơ bộ điểm đấu nối.
Hai bên thống nhất giao Ban Quản lý dự án an toàn giao thông đại diện cho Bộ Giao thông vận tải và Cục Cao tốc Campuchia đại diện cho Bộ Giao thông công chính Campuchia làm đầu mối đôn đốc về dự án cao tốc này.
Cao tốc TP. HCM – Mộc Bài sẽ đi gần song song với Quốc lộ 22 và cách Quốc lộ 22 về phía Bắc khoảng 4 km với tổng chiều dài khoảng 65 km. Tuyến cao tốc này sẽ được đầu tư theo quy mô 6 làn xe, vận tốc thiết kế 120 km, tổng mức đầu tư khoảng 650 triệu USD.
Dự án cao tốc TP. HCM – Mộc Bài được nghiên cứu và đầu tư sẽ giảm tải cho tuyến Đường bộ xuyên Á (Quốc lộ 22 – là tuyến quốc lộ duy nhất nối TP.HCM với Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, cửa ngõ quốc tế thông thương quốc tế tới các nước trong khu vực ASEAN), giảm thời gian và tăng năng lực vận chuyển hàng hóa, hành khách đến/đi từ TP. HCM và khu vực lân cận…
Đặc biệt, tuyến dự án sẽ kết nối các trung tâm kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, các đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế của vùng và khu vực kinh tế ASEAN (Bangkok – Phnom Penh – TP.HCM).