Các địa phương ngóng chờ cao tốc để bứt phá theo Lãnh đạo các địa phương có dự án đi qua đều nhấn mạnh, cao tốc không chỉ “thay da, đổi thịt” cho địa phương mà còn cho cả khu vực.
Các địa phương đều ngóng chờ sớm triển khai các dự án cao tốc đi qua để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội. Bởi “lộ thông thì tiền thông”, mọi thứ sẽ thuận lợi hơn rất nhiều mỗi khi đường lớn được mở.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cùng đoàn công tác khảo sát thực địa vị trí đầu tuyến của dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng
Danh mục
Nghe tin có cao tốc, nhà đầu tư vào ngay
Tại khu vực Tây Nguyên, hàng loạt dự án cao tốc sắp triển khai kết nối Tây Nguyên, phá thế độc đạo, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế các tỉnh Tây Nguyên với vùng Nam Trung bộ, Đông Nam bộ…
Theo đó, năm 2023, cao tốc Dầu Giây – Liên Khương sẽ được khởi công. Ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhận định, dự án này chắc chắn sẽ tạo một làn sóng mới thu hút đầu tư trong và ngoài nước đến Lâm Đồng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là du lịch và phát triển đô thị.
Đặc biệt, tuyến cao tốc sẽ rút ngắn thời gian đi đường bộ từ TP Đà Lạt đến TP.HCM còn 3 giờ, thay vì 6 giờ như hiện nay; Bảo Lộc đi TP.HCM còn 2 giờ thay vì 4 giờ. Lợi thế này cũng chắc chắn thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ các địa phương về Lâm Đồng làm việc.
“Cao tốc mở ra cũng đồng nghĩa với việc vận chuyển nông sản tiêu thụ nhanh, giảm chi phí logistics, ngành du lịch, dịch vụ sẽ tăng đột biến trong tương lai”, ông S dự báo và cho biết, khi có thông tin về dự án cao tốc, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã thu hút được 9 dự án đầu tư với diện tích đăng ký hơn 77ha, tổng vốn đăng ký hơn 700 tỷ đồng; 24 dự án xin điều chỉnh nội dung đầu tư.
Tương tự, dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột kết nối tỉnh Đắk Lắk với khu vực cảng Nam Vân Phong (TX Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) cũng sẽ tạo động lực liên kết, lan tỏa thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế – xã hội của các tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk nói riêng và vùng Tây Nguyên với Nam Trung bộ nói chung.
Theo ông Đoàn Ngọc Thượng, Phó chánh văn phòng UBND tỉnh Đắk Lắk, để đón đầu những cơ hội khi tuyến cao tốc đi vào khai thác, tỉnh đang khẩn trương hoàn thành việc xây dựng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Các địa phương ngóng chờ cao tốc để bứt phá
Trong đó, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp; tập trung phát triển du lịch, dịch vụ logistics…
Trong khi đó, tuyến cao tốc Quy Nhơn – Pleiku có tính chất đặc biệt quan trọng, phát huy lợi thế về vị trí địa kinh tế của các tỉnh Gia Lai, Bình Định, hứa hẹn sẽ tạo bước đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của vùng.
Tuyến đường còn tạo điều kiện để hai tỉnh Bình Định và Gia Lai khai thác các quỹ đất dọc tuyến, quy hoạch các khu công nghiệp, khu đô thị kết nối, tạo nguồn thu tăng ngân sách.
Theo ông Nguyễn Hữu Quế, Giám đốc Sở KH&ĐT Gia Lai, hiện nay hàng hóa ở tỉnh phải đi ngược đường xa, một phần vì QL19 đi Quy Nhơn chật hẹp, phần khác vì cảng biển Quy Nhơn vẫn trong tiến trình nâng cấp xây dựng, chưa đáp ứng được các đơn hàng xuất khẩu của Gia Lai.
Vì thế, tuyến cao tốc 56.000 tỷ đồng nối Gia Lai với biển không chỉ đặt ra thách thức lớn về huy động nguồn vốn, mà cả việc đầu tư hệ thống nút giao, khu, cụm công nghiệp và dịch vụ đi kèm.
Bởi vậy, cùng với nỗ lực kêu gọi đầu tư xây dựng cao tốc, Gia Lai cũng đang nghiên cứu, bổ sung phù hợp vào quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Đón đầu, nắm bắt thời cơ để bứt phá
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị khảo sát tuyến cao tốc cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột qua địa bàn
Tại Ninh Thuận, nơi có dự án thành phần Cam Lâm – Vĩnh Hảo (tổng mức đầu tư gần 9.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành tháng 3/2024) đi qua, ông Phan Tấn Cảnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết, sau khi hoàn thành tuyến cao tốc, chắc chắn sẽ tạo động lực rất lớn trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Cuối tháng 7/2022, HĐND tỉnh đã ra nghị quyết phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Bên cạnh tổ hợp cảng Cà Ná, tỉnh xác định đẩy mạnh đầu tư, phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp Phước Nam, Cà Ná, Hiếu Thiện… Vì thế, việc kết nối cao tốc, trục đường ven biển đóng vai trò cực kỳ quan trọng.
“Nắm bắt thời cơ, tỉnh đã đề xuất Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận mở thêm nút giao kết nối ĐT709 với cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, các đường gom… đấu nối với trục đường ven biển. Từ đây sẽ giải quyết ngay giao thông kết nối, phát huy lợi thế kinh tế biển”, ông Cảnh nói.
Tại khu vực phía Nam, ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có những dự án giao thông trọng điểm như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc Bến Lức – Long Thành, cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết đang triển khai, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, Dầu Giây – Tân Phú đang chuẩn bị đầu tư.
Các dự án này đều được kỳ vọng sẽ mở ra không gian phát triển mới để tỉnh bứt phá mạnh mẽ, đồng thời giúp Đồng Nai trở thành đầu mối giao thông quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
“Đồng Nai đã quy hoạch các cụm công nghiệp Sông Quế, Cẩm Mỹ, Gia Kiệm, kết nối giao thông vào cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, cụm Khu công nghiệp Phước Bình kết nối ra QL51, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu… Đặc biệt, dự án sân bay Long Thành sẽ thu hút nhiều dự án trong và ngoài nước, hình thành các khu đô thị hiện đại”, ông Nguyên kỳ vọng.
Miền Tây ngóng cao tốc từng ngày
Đối với khu vực ĐBSCL, khu vực này có diện tích gần 4,1 triệu ha, chiếm 13% diện tích cả nước, là một trong những vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Tuy nhiên, khu vực này được đánh giá là chưa phát triển tương xứng với tiềm năng thế mạnh, đặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông.
Tính đến thời điểm hiện tại, ĐBSCL chỉ có 2 tuyến cao tốc được đưa vào sử dụng là TP.HCM – Trung Lương đi qua tỉnh Tiền Giang – Long An và Lộ Tẻ – Rạch Sỏi kết nối TP Cần Thơ – Kiên Giang. Riêng tuyến Lộ Tẻ – Rạch Sỏi, hiện chỉ mới được xây dựng với vận tốc thiết kế 80km/h.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển của khu vực, hiện Chính phủ, Bộ GTVT đang triển khai 2 dự án giao thông mang tính chiến lược, cụ thể hóa mục tiêu phát triển ĐBSCL.
Cụ thể, đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn Cần Thơ – Cà Mau và cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1.
Trong đó, tuyến cao tốc đoạn Cần Thơ – Cà Mau có tổng chiều dài 109km, tổng mức đầu tư 27.200 tỷ đồng, dự kiến khởi công năm 2022, hoàn thành trong 3 năm.
Dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng với chiều dài hơn 188km, tổng mức đầu tư hơn 44.690 tỷ đồng, dự kiến khởi công trong năm 2023, hoàn thành năm 2026.
Lãnh đạo các địa phương có dự án đi qua đều nhấn mạnh, những tuyến cao tốc này có ý nghĩa và vai trò rất quan trọng, không chỉ “thay da, đổi thịt” cho địa phương mà còn cho cả khu vực.
“Chúng tôi rất phấn khởi vì có tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng đi qua. Tuyến đường này sẽ phá vỡ thế biệt lập bao năm qua của tỉnh An Giang”, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhận định và cho rằng, đây sẽ là cơ hội rất lớn để tỉnh thu hút đầu tư trong thời gian tới.
Tương tự, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, 2 dự án cao tốc nói trên sẽ giúp giải quyết nút thắt về hạ tầng giao thông ĐBSCL. Sau khi dự án hoàn thành, sẽ là động lực liên kết, thúc đẩy hợp tác và phát triển vùng Đông Nam bộ với ĐBSCL, khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ, tăng năng lực cạnh tranh của khu vực.
Sẽ có quy hoạch để “ăn theo” cao tốc
Ông Lâm Văn Bi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau thừa nhận, hiện nay Cà Mau là địa phương có hệ thống hạ tầng giao thông yếu nhất vùng. Do vậy, dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau khi hoàn thành sẽ tạo động lực mạnh mẽ đối với tỉnh.
Theo ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, để chủ động chuẩn bị triển khai, tỉnh đã giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với UBND huyện Thới Bình và các đơn vị chức năng xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện công tác bồi thường GPMB dự án. Trong đó, phải thể hiện cụ thể từng nội dung công việc, từng mốc thời gian… nhằm đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới.
“Để đón đầu, tỉnh sẽ đưa ra quy hoạch hướng phát triển cụ thể các khu, cụm công nghiệp “ăn theo” cao tốc, mở rộng không gian đô thị”, ông Việt cho biết.
Tại Sóc Trăng, ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết, để đón đầu cao tốc Cần Thơ – Cà Mau đoạn qua địa bàn, tỉnh đang làm việc với đơn vị tư vấn thiết kế, định hướng lập quy hoạch cụ thể những khu, cụm công nghiệp phát triển theo hướng mở kết nối gần với cao tốc.
Vừa qua, tỉnh Sóc Trăng đã mạnh dạn đề xuất Bộ GTVT được làm chủ đầu tư hơn 56km cao tốc thuộc dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, đoạn đi qua địa bàn.
“Đề xuất này, nhằm tạo thuận lợi trong việc kêu gọi đầu tư cảng biển nước sâu Trần Đề. Nếu được giao làm chủ đầu tư dự án, tỉnh cam kết triển khai dự án đảm bảo chất lượng”, ông Nghiệp nói và cho hay, đây là cơ hội để tỉnh đón đầu, bứt phá vươn lên, đưa Sóc Trăng trở thành một trong những trung tâm của vùng ĐBSCL.
Cơ chế đặc thù làm 3 dự án cao tốc 84.000 tỷ
Chính phủ vừa ban hành 3 nghị quyết cho phép triển khai hàng loạt cơ chế đặc thù để sớm khởi công 3 dự án cao tốc: Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, Biên Hòa – Vũng Tàu, Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng.
Trong đó, cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 có tổng chiều dài khoảng 117,5km (đi qua Khánh Hòa 32,7km, Đắk Lắk 84,8km); sơ bộ tổng mức đầu tư 21.935 tỷ đồng. Tiến độ cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác năm 2027.
Tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1 có tổng chiều dài: 53,7km (đi qua Đồng Nai 34,2km; Bà Rịa – Vũng Tàu 19,5km); Sơ bộ tổng mức đầu tư: 17.837 tỷ đồng. Tiến độ cơ bản hoàn thành năm 2025, đưa vào khai thác năm 2026.
Tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1, tổng chiều dài 188,2km (đi qua An Giang 56,7km; Cần Thơ 37,7km; Hậu Giang 37,7km; Sóc Trăng 56,1km). Sơ bộ tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng. Tiến độ cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác năm 2027.
Về cơ chế đặc thù triển khai các dự án, Chủ tịch UBND các tỉnh, Bộ trưởng Bộ GTVT được phân cấp làm cơ quan chủ quản thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư, tổ chức lập, thẩm định, quyết định phê duyệt dự án thành phần tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định pháp luật về đầu tư công.
Áp dụng hình thức chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn, xây lắp liên quan đến các dự án thành phần, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, GPMB và tái định cư.
Bộ GTVT, UBND các tỉnh triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xác định các bãi đổ chất thải rắn xây dựng trong giai đoạn chuẩn bị dự án; triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện.
Nhà thầu được khai thác các mỏ vật liệu xây dựng phục vụ dự án mà không phải thực hiện một số thủ tục cấp phép.