Bộ Xây dựng đang xây dựng dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), với nhiều chính sách quan trọng, trong đó, đáng quan tâm là các đề xuất về nhà ở xã hội như việc bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, xác định giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội…sao cho đôi bên (doanh nghiệp – người có thu nhập thấp) cùng có lợi.
Bố trí đất cho nhà ở xã hội là trách nhiệm của UBND cấp tỉnh
Tại phiên họp mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ Xây dựng cho biết, việc bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh và Chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 2ha trở lên tại các đô thị loại đặc biệt và loại I, và từ 5ha trở lên tại các đô thị loại II và loại III phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong các đồ án quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật dành để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của Chính phủ.
Theo Hồ sơ dự án Luật, thực tiễn thi hành cho thấy quy định này có nhiều bất cập, trong đó có việc hầu hết các địa phương chỉ quy hoạch, bố trí quỹ đất, xác định diện tích đất ở dành để xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị; không bố trí quỹ đất độc lập để phát triển nhà ở xã hội.
Vì vậy, lần sửa đổi này, Chính phủ đề nghị quy định rõ việc bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội là trách nhiệm của UBND cấp tỉnh. Đồng thời, bổ sung quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định việc dành một tỷ lệ nhất định tiền sử dụng đất thu từ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn để thực hiện công tác đền bù, bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có) và đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn.
Qua thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định của dự thảo Luật. Tuy nhiên, để bảo đảm tính minh bạch, khả thi, cần đánh giá về việc bổ sung nguồn lực thực hiện và nhu cầu phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn tới. Trên cơ sở đó đề xuất tỷ lệ phần trăm tối thiểu của tiền sử dụng đất của các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành cho việc phát triển nhà ở xã hội, tránh việc các địa phương không bố trí thỏa đáng tiền sử dụng đất thu được cho nội dung này.
Tính đủ các chi phí để thu hồi vốn đầu tư
Theo Báo cáo tổng kết thi hành Luật Nhà ở năm 2014 và định hướng sửa đổi Luật Nhà ở, Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự thảo Luật, việc xác định giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội theo pháp luật hiện hành còn chưa tính đến các chi phí hợp lệ, hợp lý như chi phí tổ chức bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp và các chi phí hợp lý khác… dẫn đến không thu hút được nhiều chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Vì vậy, dự thảo Luật bổ sung một số chính sách như: Giá bán được xác định trên cơ sở tính đủ các chi phí để thu hồi vốn đầu tư xây dựng nhà ở (bao gồm cả chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật (nếu có) trong phạm vi dự án), lãi vay (nếu có), các chi phí hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp (chi phí tổ chức bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí hợp lý khác).
Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định của dự thảo Luật về các chi phí được tính đủ vào giá bán để thu hồi vốn đầu tư của doanh nghiệp, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để kiểm soát chặt chẽ giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người dân mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu làm rõ các chi phí hợp lý khác được tính vào giá bán hoặc phải quy định các nguyên tắc, điều kiện để chi phí có thể coi là hợp lý, hợp lệ khi tính vào giá bán.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng quy định điều kiện được mua, thuê mua nhà ở xã hội. Theo đó, đối tượng quy định tại khoản 1, 4, 5, 6, 8 và 9 Điều 73 của dự thảo Luật phải chưa có nhà ở, đất ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống, làm việc, hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ và từng khu vực.
Đồng thời, các đối tượng quy định tại khoản 5, 6 và 8 Điều 73 của dự thảo Luật để được mua, thuê mua nhà ở xã hội thì phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập; nếu là đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 73 thì phải thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo…
Cơ bản tán thành phương án của Chính phủ về nhà ở xã hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý nguyên tắc chỉ thay đổi phương thức thực hiện. Thay cho việc mỗi dự án là dành ra 20% quỹ đất để làm ở nhà xã hội như trước đây thì bây giờ có thể quy hoạch để làm những dự án, những khu nhà ở xã hội riêng biệt, đồng bộ đầy đủ, khang trang, tức là quy ra bằng tiền…
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, về nhà ở xã hội, chính sách chung là của Nhà nước và trách nhiệm xây dựng nhà ở xã hội là của các địa phương.
Theo dõi Mua Bán Đất Hóc Môn để nhận thêm nhiều tin tức về chủ đề Nhà ở xã hội !